Muỗi là trung gian truyền bệnh của nhiều bệnh nhiệt đới như sốt rét, giun chỉ bạch huyết và một số bệnh do virus như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt vàng... Ở những nước có khí hậu ôn hòa, muỗi thường gây phiền hà cho con người do chích đốt máu hơn là khả năng truyền bệnh. Vậy loài muỗi sống được bao lâu?
Muỗi phát triển qua 4 giai đoạn: trứng (eggs), ấu trùng gọi là bọ gậy (larvae), thanh trùng gọi là lăng quăng (pupa) và muỗi trưởng thành. Ba giai đoạn đầu, chúngsống ở dưới nước; giai đoạn muỗi trưởng thành sống tự do ở môi trường. Để phân biệt được muỗi đực và muỗi cái, thường căn cứ vào râu ở đầu muỗi. Râu muỗi đực rậm, còn râu muỗi cái thưa hơn.
Muỗi cái thường chỉ giao phối một lần nhưng đẻ trứng sốt đời; để thực hiện được chức năng này muỗi cái cần phải đốt máu. Muỗi đực không đốt máu mà tự nuôi dưỡng bằng chích hút nhựa cây. Khi muỗi cái đốt no máu, chúng tìm nơi trú ẩn để tiêu máu; đó là những nơi kín gió, ấm áp, ẩm thấp và tối tăm. Mỗi loài muỗi có tập tính tìm nơi trú ẩn khác nhau.Khi muỗi hoàn thành giai đoạn tiêu máu thì trứng cũng đã chín. Muỗi cái tìm nơi thích hợp để đẻ trứng. Sau khi đẻ trứng, muỗi lại bay đi tìm mồi hút máu. Thời gian vừa đẻ vừa đi tìm mồi hút máu cho lần đẻ sau được tính là một ngày đêm. Thời gian muỗi đốt máu, trú đậu tiêu máu, hình thành trứng chín, tìm nơi sinh đẻ và bay đi tìm mồi đốt máu gọi là chu kỳ sinh thực. Trong điều kiện bình thường, muỗi cái sống khoảng 2 tháng và đẻ trung bình khoảng 6 đến 8 lần. Sau mỗi lần đi đẻ muỗi chết khoảng 50%. Trong phòng thí nghiệm, muỗi sống lâu hơn, có thể tới 3 tháng. Muỗi đực nuôi dưỡng bằng cách hút nhựa cây, sau khi giao phối chúng sống được một thời gian khoảng 10 đến 15 ngày. Như vậy muỗi cái sống lâu hơn muỗi đực. Muỗi đực “ăn chay” nên mau chết, còn muỗi cái “ăn mặn” nên sống lâu hơn.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh